Các phiên bản Thầy bói xem voi

Ở Việt Nam

Theo Trương Chính trong tác phẩm "Bình Giải ngụ ngôn Việt Nam" (Nhà Xuất bản Giáo dục, Hà Nội, năm 1998) thì nội dung câu chuyện ở Việt Nam như sau: Nhân buổi ế hàng, năm ông thầy bói nói chuyện với nhau. Thầy nào cũng phàn nàn không biết hình thù con voi nó như thế nào. Chợt nghe người ta nói có voi đi qua, năm thầy chung nhau tiền biếu người quản voi, xin cho voi dừng lại để cùng xem. Thầy thì sờ voi, thầy thì sờ ngà, thầy thì sờ tai, thầy thì sờ chân, thầy thì sờ đuôi. Đoạn, năm thầy ngồi bàn tán với nhau

  • Thầy sờ vòi bảo: "Tưởng con voi nó thế nào, hoá ra nó sun sun như con đỉa"
  • Thầy sờ ngà bảo: "Không phải! Nó dài dài như cái đòn càn"
  • Thầy sờ tai bảo: "Đâu có! Nó bè bè như cái quạt thóc"
  • Thầy sờ chân cãi: "Ai bảo? Nó sừng sững như cái cột đình"
  • Thầy sờ đuôi lại nói: "Các thầy nói sai cả. Chính nó tua tủa như cái chổi xể cùn"

Năm thầy, thầy nào cũng cho mình nói đúng, không ai chịu ai, thành ra xô xát, đánh nhau tọac đầu chảy máu.

Trên thế giới

Truyện cổ dân gian Ấn Độ (Nhà xuất bản Khoa học-Xã hội, Hà Nội, năm 1982, trang 337-338) kể như sau: Tên truyện là "Con voi và bốn người mù". Bốn người mù đi dò dẫm trên đường. Từ phía trước, một con voi đang tiến lại. Khách qua đường thét bốn anh mù: "Kìa hãy tránh cho voi đi!". Bị tính tò mò kích thích, họ hỏi: "Thế con voi nó như thế nào? Cho chúng tôi xem với?". Khách qua đường bèn xin ông quản tượng dừng voi lại. Ông quản tượng đồng ý dừng voi lại và bốn người mù lần đến sờ voi. Người thứ nhất sờ được cái vòi, người thứ hai sờ cái chân, người thứ ba sờ cái bụng và người thứ tư túm được cái đuôi. Sờ xong ông quản tượng liền đánh voi đi.

Tranh vẽ cảnh người mù sờ voi

Khách qua đường hỏi bốn người mù: "Thế nào? Bây giờ các anh đã biết được hình dáng con voi rồi chứ?". Họ trả lời: "Vâng, bây giờ thì chúng tôi biết rồi". Khách hỏi: "Thế nó ra làm sao?".

  • Người mù sờ được vòi nói: "Nó giống như như con rắn to cuộn tròn lại".
  • Người mù sờ cái chân nói: "Không phải, anh nhầm rồi. Nó giống như cái cột nhà chứ!".
  • Người mù sờ cái bụng nói: "Hai anh nhầm. Con voi giống như thùng chứa nước".
  • Người mù sờ đuôi nói: "Các anh điều nói sai bét. Nó giống sợi dây tam cố dùng để buộc thuyền".

Thế là bốn người mù đều bị nhầm lại ba hoa với nhau. Tuy vậy mỗi người trong bọn họ đã nói được một phần sự thực vì ai biết ngần nào thì nói ngần ấy.

Trong Kinh Niết BànKinh Trường A Hàm lại kể về câu chuyện "Người mù sờ voi" như sau: Ngày xưa có một ông vua sai đại thần dắt đến một con voi cho một bọn người mù sờ xem. Sau đó vua hỏi: “Các ngươi đã biết voi chưa?”. Bọn người mù đáp: “Biết rồi!”. Vua hỏi: “Thế voi như thế nào?”

  • Người sờ ngà voi bảo: “Voi xem ra như cái đòn xóc”.
  • Người sờ tai nói: “Voi như cái quạt”.
  • Người sờ đầu voi đáp: “Voi như tảng đá”.
  • Người sờ vòi lại bảo: “Voi giống như cái chày”.
  • Người sờ mắt voi nói: “Voi giống như cái hộp gỗ”.
  • Người sờ lưng voi khẳng định: “Không phải. Voi như cái giường”.
  • Người sờ bụng voi kêu lên: “Theo tôi con voi như cái thùng to”.
  • Người sờ đuôi xác nhận: “Đừng cãi nhau nữa, con voi như sợi dây thừng”.

Nhà vua nghe bọn mù tranh cãi nhau, cảm khái nói: "Người mù đều rất đông/Tranh nhau nói sự thật/Voi vốn chỉ một thân/Thị phi lại bất đồng" (Trích theo Hồng Phi Mạc: “Cầm hoa mỉm cười”, Nhà xuất bản Bắc Kinh, năm 1999 trang 30, tiếng Trung).